Thứ Ba, 17 tháng 7, 2012

Thời của VNĐ

TS. Võ Trí Thành cho rằng, thanh khoản tốt nhất của các tài sản hiện nay được xếp theo thứ tự: VNĐ, USD, vàng, cổ phiếu, trái phiếu và BĐS.


                         <<  Ngân hàng Habubank tự tin xóa nợ  >>
 

VNĐ đang chiếm ưu thế so với các kênh đầu tư khác do mặt bằng lãi suất VNĐ vẫn đang ở mức khá cao khi lãi suất tiết kiệm các kỳ hạn dưới 12 tháng ở mức 9%/năm; kỳ hạn trên 12 tháng lên tới 11 – 12%/năm.
Nền kinh tế thị trường cùng với sự phát triển của thị trường vốn, bất động sản (BĐS) đã mở ra nhiều kênh đầu tư hấp dẫn bên cạnh vàng, ngoại tệ. Song đầu tư vào đâu để mang lại hiệu quả cao lại là vấn đề không hề dễ dàng với ngay cả những nhà đầu tư chuyên nghiệp chứ chưa nói gì đến người dân. Nhưng theo gợi ý của nhiều chuyên gia, trong bối cảnh kinh tế thế giới cũng như trong nước vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro, tính thanh khoản cần được coi trọng hơn lợi nhuận.
TS. Võ Trí Thành - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương (CIEM) cho rằng, thanh khoản tốt nhất của các tài sản hiện nay được xếp theo thứ tự: VNĐ, USD, vàng, cổ phiếu, trái phiếu và BĐS.
Theo lý thuyết kinh tế, tính thanh khoản (liquidity) của một tài sản là khả năng quy đổi ra tiền mặt của tài sản đó. Tính thanh khoản cao là khả năng quy đổi ra tiền mặt nhanh nhất, tính thanh khoản thấp thì ngược lại. Vì thế VNĐ rõ ràng là có tính thanh khoản cao nhất (vì nó không cần phải quy đổi - trừ phi bạn muốn đổi ra ngoại tệ hoặc đồng tiền khác).
Tuy nhiên, một chuyên gia lại cho rằng, thứ tự thanh khoản tiếp theo là USD thì cần xem lại; thanh khoản của vàng có thể còn cao hơn USD. Bởi hiện việc chuyển đổi từ vàng sang VNĐ và ngược lại còn dễ dàng và thuận tiện hơn. Trong khi NHNN đang chủ trương kiểm soát chặt thị trường ngoại tệ và Nhà nước cũng không khuyến khích người dân nắm giữ ngoại tệ như hiện nay. Bằng chứng là ngay cả nhà đầu tư nước ngoài muốn chuyển đổi USD sang VNĐ phải đăng ký giao dịch với NHNN sau đó mới được chuyển. Hơn nữa, việc chuyển đổi từ VNĐ sang USD còn khó khăn hơn vì bình thường muốn mua USD, nhà đầu tư phải có lý do.
Thậm chí có chuyên gia còn cho rằng, nhiều khi khả năng chuyển đổi cổ phiếu sang VNĐ có thể nhanh hơn chuyển đổi từ USD sang VNĐ. Thế nhưng, nhiều ý kiến lại tỏ ra không đồng tình khi cho rằng, hiện cổ phiếu chỉ được giao dịch từ 8h30 sáng đến 2h15 chiều chứ không kéo dài cả ngày như vàng hay ngoại tệ. Chưa hết, phải 3 ngày sau khi mua (bán) thì cổ phiếu (tiền) mới được chuyển về tài khoản của người mua (bán). Như vậy tính về mức độ linh hoạt của nó có hạn chế hơn so với vàng hay ngoại tệ. Song để giao dịch một số lượng lớn tới 1000 tỷ đồng trên thị trường mà mua vào và bán ra với cổ phiếu có tính thanh khoản cao lại dễ hơn, tốc độ lưu chuyển tiền lớn hơn so với vàng.
Mặc dù vậy, các chuyên gia tỏ ra khá đồng tình khi xếp BĐS vào vị trí cuối cùng trong bảng xếp hạng thanh khoản. Rõ ràng việc xếp BĐS đứng cuối bảng không phải là không có lý khi hiện thị trường BĐS vẫn đang trong tình trạng “ngủ đông”, giao dịch đóng băng khi tìm cả tháng không có người mua. Dự báo một tương lai mới cho thị trường vẫn chờ những hiệu ứng chính sách từ đầu tư công, các chương trình cho vay mua nhà của các ngân hàng.
Bên cạnh tính thanh khoản, kỳ vọng lợi nhuận là yếu tố quan trọng làm nên sức hấp dẫn của một tài sản đầu tư. Về mặt này VNĐ cũng đang chiếm ưu thế rõ rệt so với các loại tài sản khác.
Quả vậy, sau nhiều giải pháp quyết liệt của NHNN, thời gian qua tỷ giá USD/VNĐ được duy trì khá ổn định và dự báo, từ nay đến cuối năm, áp lực lên tỷ giá là không lớn và nếu có biến động cũng không quá 3%. Điều đó có nghĩa, việc nắm giữ USD là không có nhiều lợi thế.
Trong khi, việc đầu tư vào vàng lại quá rủi ro do giá vàng diễn biến khá bất thường và mức độ biến động giá thường khá lớn trong một thời gian ngắn. Điều đó có nghĩa, vàng là kênh đầu tư không dành cho những nhà đầu tư nhỏ lẻ, ít vốn và thiếu kinh nghiệm, hiểu biết.
Chứng khoán cũng không được coi là kênh đầu tư hấp dẫn khi diễn biến thị trường thời gian qua khá lình xình, triển vọng cũng chưa rõ ràng. “Xu hướng tăng điểm bền vững chỉ trở lại khi thanh khoản tăng theo khối lượng. Chưa kể kết quả kinh doanh của các DN niêm yết hiện nay còn rất yếu, quý III nhiều khả năng còn xấu hơn quý II/2012” một chuyên gia phân tích.
BĐS lại càng ảm đạm khi giá liên tục tụt giảm thê thảm, song giao dịch vẫn thưa thớt. Tính đến nay, giá nhiều phân khúc BĐS đã giảm đến 30 - 40%, nhưng nhiều chuyên gia cho rằng, giá BĐS vẫn chưa về đến đây và vẫn vượt quá xa so với khả năng thanh toán của nhiều người dân. Vì vậy, nhiều chuyên gia cũng dự báo, thị trường BĐS khó có thể phục hồi trong năm nay.
Trong bối cảnh đó, rõ ràng, việc VNĐ là có lợi thế hơn cả, do mặt bằng lãi suất VNĐ vẫn đang ở mức khá cao khi lãi suất tiết kiệm các kỳ hạn dưới 12 tháng ở mức 9%/năm; còn kỳ hạn trên 12 tháng lên tới 11 – 12%/năm. Hơn thế, lạm phát đang được kiềm chế. CPI tháng 6 thậm chí còn giảm sau 38 tháng tăng liên tục. Dự báo CPI tháng 7 nếu tăng cũng chỉ tăng ở mức rất thấp do giá xăng dầu vừa tiếp tục giảm và xu hướng giảm vẫn còn tiếp diễn trong thời gian tới do kinh tế thế giới ảm đạm; giá lương thực thực phẩm cũng đang trong xu hướng giảm một phần do yếu tố mùa vụ. Lạm phát thấp càng cùng cổ xu thế ổn định của tỷ giá và gia tăng vị thế cho VNĐ.
“Nắm giữ VNĐ là lựa chọn khôn ngoan nhất hiện nay”, nhiều chuyên gia kết luận.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét