Nợ xấu tăng nhanh trong quý II/2012, đề án thành lập AMC mới chỉ dừng ở nghiên cứu chưa được báo cáo Thủ tướng, do vậy các ngân hàng cần chủ động xử lý thay vì chờ đợi sự ra đời của AMC Quốc gia.
Kết thúc 2 quý đầu năm hệ thống ngân hàng có nhiều chuyển biến tích cực, vấn đề thanh khoản được giải quyết và ổn định hơn. Tuy nhiên tín dụng vẫn không tăng, dòng tiền quanh quẩn trong hệ thống, nợ xấu tăng mạnh trong quý II là những khó khăn đang tồn tại.
Thanh khoản ổn định, tiền vẫn quanh quẩn trong hệ thống chưa đến với doanh nghiệp
Tại buổi sơ kết hoạt động hệ thống ngân hàng 6 tháng đầu năm 2012 và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm, lãnh đạo NHNN và các NHTM đều thừa nhận là thanh khoản toàn hệ thống đã được cải thiện rất nhiều và dần đi vào ổn định. So với thời điểm cuối quý IV/2011, có thể nói các ngân hàng đã vượt qua thời điểm khó khăn nhất.
Thanh khoản cải thiện, huy động vốn từ nền kinh tế tăng khá và lãi suất huy động chủ động giảm dần nhưng tín dụng hầu như không tăng trưởng. Do đó, thị trường trái phiếu, tín phiếu trong 6T2012 sôi động và số dư trên thị trường mở đã sụt giảm mạnh vào cuối quý II.
Tổng lượng trái phiếu KBNN và Chính phủ bảo lãnh phát hành đạt 87,464 nghìn tỷ đồng (+22% y-o-y). Có đến 2/3 tổng số TPCP được mua bởi các NHTM trong nước.
Trên thị trường thứ cấp, tổng giao dịch trái phiếu lên tới 71,112 nghìn tỷ đồng, tăng 2,07 lần so với cùng kỳ năm trước.
Số dư trên thị trường mở (OMO )đã giảm mạnh từ mức gần 80 nghìn tỷ đồng sau Tết xuống còn 1 nghìn tỷ đồng vào cuối tháng 6.
Việc tham gia nhiều vào thị trường trái phiếu của các NH hơn mức dùng cho quản trị thanh khoản cũng cho thấy dòng tiền vẫn quanh quẩn trong hệ thống ngân hàng, chưa đến được với các doanh nghiệp và do đó, không hỗ trợ được nhiều cho mức tăng trưởng tín dụng.
Nợ xấu tăng mạnh, các ngân hàng phải tự “cứu mình”
Tỷ lệ nợ xấu được công bố với nhiều con số khác nhau. Đầu tiên là 4,47% tại 31/05/2012 do các TCTD báo cáo và sau đó là 8,6 tại 31/03/2012 do Cơ quan thanh tra giám sát NHNN.
Do nhiều bất cập trong phân loại nợ cũng như chính sách phân loại của từng ngân hàng, các chuyên gia của VCBS cho rằng: “Con số đưa ra của cơ quan giám sát có độ chính xác cao hơn”.
Tỷ lệ nợ xấu 8,6% tại thời điểm cuối quý I cũng khá gần con số là gần 10% mà Thống đốc đưa ra hồi đầu tháng 6 tại diễn đàn Quốc hội.
Nợ xấu tăng nhanh nhưng giải pháp nhằm giải quyết vấn đề này vẫn chưa có tiến triển mới trong quý II, sau khi NHNN đã tiến hành phân loại các ngân hàng và đưa vào diện giám sát đặc biệt một số ngân hàng yếu kém trong quý I.
Phần lớn các ngân hàng cho rằng việc thành lập công ty mua bán nợ (AMC) qui mô lớn là cần thiết do các công ty AMC của mỗi ngân hàng đều có qui mô tương đối nhỏ và không thể mua bán các khoản nợ của chính Ngân hàng mẹ. Tuy nhiên, việc thành lập công ty AMC qui mô 100.000 tỷ đồng cũng mới chỉ dừng lại ở mức nghiên cứu và chưa được báo cáo lên Thủ tướng.
Ngoài ra, có nhiều vấn đề liên quan đến việc mua bán nợ như: Ai sẽ mua lại nợ xấu? Nguồn tiền cho hoạt động này là ở đâu? Giá, nhóm nợ và tiêu chí được mua bán? Có gây tác động tới lạm phát hay không? Mức độ mua từ các ngân hàng như thế nào? Vẫn chưa có lời giải đáp.
Với những lý do trên, VCBS cho rằng các ngân hàng vẫn phải tự giải quyết vấn đề nợ xấu trong thời gian tới và không nên trông chờ quá nhiều vào một giải pháp AMC này. Thực tế các ngân hàng tốt đã chủ động giải quyết nợ xấu của mình bằng trích lập triệt để, hỗ trợ doanh nghiệp và tăng cường quản trị rủi ro tín dụng.
Đẩy mạnh cho vay cá nhân, ngân hàng lớn cũng không ngoài cuộc
Ngoài việc đẩy mạnh thu phí dịch vụ nhằm bù đắp phần nào cho sự sụt giảm của thu nhập lãi, việc đẩy mạnh hoạt động cho vay cá nhân cũng là một lựa chọn phù hợp cho các ngân hàng trong thời điểm hiện tại.
Mặc dù lĩnh vực cho vay doanh nghiệp bị thu hẹp do tình hình sản xuất đình trệ, nhu cầu vay tiêu dùng hay mua nhà ở, mua ô tô vẫn ở mức cao. Đây cũng là lĩnh vực có mặt bằng lãi suất cao hơn và rủi ro thấp hơn so với cho vay doanh nghiệp.
Khi mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm dần, các ngân hàng hoàn toàn có thể đẩy mạnh hoạt động này để thúc đẩy thêm nguồn thu nhập lãi. Theo đánh giá của VCBS, ngay cả những ngân hàng lớn tập trung về hoạt động bán buôn cũng định hướng đẩy mạnh cho vay tiêu dùng trong thời gian tới. Vì vậy khả năng phân khúc này sẽ nhộn nhịp hơn trong quý III/2012.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét