Một số ngân hàng đã “gạch” vàng ra khỏi danh sách tài sản đảm bảo vay vốn, số khác hạ định mức cho vay xuống còn 70%, 80% giá trị.
Bài liên quan : << Ngân hàng Habubank >>
Thế chấp vàng hết thời!
Nhiều khách hàng rất ngạc nhiên trước việc Ngân hàng Xuất Nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) ngưng cho vay thế chấp bằng vàng, sổ tiết kiệm vàng. Chị Thủy, một khách hàng tại Phòng giao dịch Eximbank (quận 1), nói: “Từ trước đến nay, tôi vẫn gửi vàng tại đây và thế chấp để vay tiền đồng, nhưng không hiểu sao, gần đây Eximbank không còn mặn mà với vàng nữa”.
Thắc mắc của khách hàng được một nhân viên giao dịch của Eximbank lý giải : “Do giá vàng biến động mạnh quá, nếu thế chấp bằng vàng thì ngân hàng ngại rủi ro, nên hơn 1 tháng nay, chúng tôi đã ngưng dịch vụ này”.
Theo tính toán của người này, ngay cả khi cho vay thế chấp bằng vàng với mức cho vay khoảng 80%, thì mức độ rủi ro của khoản tín dụng này vẫn quá cao vì giá vàng biến động từng ngày, và trong 1 tháng có thể mất đứt 20% giá trị”.
Không ngưng hẳn như Eximbank, nhưng các ngân hàng khác như ACB, HDbank, Sacombank… cũng đã tỏ ra dè dặt khi cho vay thế chấp bằng sổ tiết kiệm vàng. Với lãi suất vay cá nhân hơn 21,5%/năm khi thế chấp vàng, nhưng Sacombank cũng chỉ cho vay tối đa đến 90% giá trị tài sản đảm bảo theo định giá của ngân hàng.
Trong khi đó, HDbank cho biết, chỉ cho vay tối đa 80% giá trị tài sản đảm bảo và “đại gia” ACB cũng cho vay tối đa ở mức này khi thế chấp bằng vàng, sổ tiết kiệm vàng.
Còn một số ngân hàng khác thì cho biết, chỉ coi sổ tiết kiệm vàng là tài sản thế chấp khi số vàng đó gửi trực tiếp tại ngân hàng hoặc một số ngân hàng nằm trong danh sách tin cậy. Chẳng hạn, Sacombank chỉ cho vay với cá nhân thế chấp sổ tiết kiệm vàng khi gửi tại ACB và “một số ngân hàng nằm trong danh sách tín nhiệm” của ngân hàng này.
VND “lên ngôi”
Từ tháng 8/2011, khi giá vàng lên vùn vụt, đặc biệt tháng 10, khi nhiều ngân hàng được phép bán vàng bình ổn, một số ngân hàng “bằng mọi giá” kéo khách hàng gửi vàng, dùng vàng làm tài sản đảm bảo.
Nhưng nay, khi vàng rớt giá, không chỉ ngân hàng tuyên bố ngưng bán vàng bình ổn mà còn vào cuộc lôi kéo khách hàng thế chấp bằng sổ tiết kiệm VND, USD.
Theo đó, các ngân hàng nói trên đều cho biết, nếu thế chấp bằng sổ tiết kiệm VND, khách hàng sẽ được vay 100% giá trị tài sản đảm bảo. Trong khi đó, nếu lấy USD làm tài sản đảm bảo, khách hàng cũng không thể vay đến mức tối đa 100%, mà chỉ được vay khoảng 90 - 95% giá trị.
Thật khó lý giải việc ngân hàng “chê” vàng. Một số chuyên gia cho rằng, về cuối năm, ngân hàng thích VND hơn vì đang lúc cần tiền đồng để chi tiêu, trả lương, để cho khách hàng rút… Nhưng các chuyên gia cũng cảm thấy khó hiểu khi ngân hàng ngưng hoặc thiếu mặn mà với vàng.
“Thanh khoản VND đến thời điểm này vẫn chưa thấy có gì đáng lo. Tôi e rằng, việc các ngân hàng thờ ơ với vàng hiện nay có thể bắt nguồn từ sự nghi ngại về những rủi ro liên quan đến việc độc quyền vàng trong thời gian tới. Việc các thương hiệu vàng khác có giá rẻ hơn SJC trong thời gian qua đã khiến các ngân hàng lo ngại về những khoản nợ xấu liên quan đến vàng các thương hiệu khác. Mặt khác, người ta vẫn chưa biết chính sách về vàng sắp tới sẽ như thế nào, nên ngân hàng có thể dè dặt vì lý do này”, một chuyên gia tài chính nhận định.
Ngân hàng Habubank
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét